
Vĩnh Kiều tục gọi là làng Viềng, nay là khu Vĩnh Kiều thuộc phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vĩnh Kiều là một làng khoa bảng nổi tiếng của đất Kinh Bắc được dân gian ca ngợi :
" Vĩnh Kiều ấy bảng vàng rờ rỡ
Mười hai tên ngựa ngựa, xe xe"...
Theo gia phả dòng họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều, thời phong kiến dòng họ này có 10 vị đỗ Đại khoa ( tiến sĩ), 34 vị đỗ Trung khoa (cử nhân), 64 vị đỗ Tiểu khoa (Tú tài), hầu hết đều ra làm quan, cống hiến tài đức cho triều đình và đất nước. Họ Nguyễn Vĩnh Kiều là dòng họ vinh hiển, một trong "tứ gia vọng tộc" của đất Kinh Bắc là dòng họ Nguyễn làng Kim Đôi, họ Nguyễn Đăng làng Hoài Thượng, họ Nguyễn làng Vĩnh Kiều và họ Trần làng Trịnh Tháp.
Làng Viềng còn là một làng thợ với nghề ngõa (tức nghề thợ xây) nổi tiếng đi vào câu ca dân gian:
"Mộc làng Chóa, ngõa làng Viềng"
Nghề ngõa ở đây có từ lâu đời cùng với nghề trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm kéo sợi trở thành nguồn sống chính của nhân dân Vĩnh Kiều. Những người thợ ngõa hợp thành phường với những lệ tục khá chặt chẽ. Hàng năm tổ chức tế lễ, cúng giỗ tổ nghề từ 30 Tết đến mùng 7 tháng giêng.
Làng Viềng thờ Đức thánh Tam Giang làm thần hoàng làng. Đình làng được dựng từ lâu đời để thờ thánh. Cạnh đình là chùa thờ phật. Cả hai công trình tín ngưỡng cổ kính này đã được Nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là trung tâm thờ tự, sinh hoạt tâm linh và tổ chức các sự lệ, đình đám và lễ hội của làng Vĩnh Kiều.
Sự lệ của Vĩnh Kiều xưa bao gồm các tiết lệ sau đây:
- Tháng giêng có tế lễ tổ lề ngõa vào ngày mùng 7. Từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 ăn hội đồng niên. Ngày mùng 10 mở hội rước cỗ chay.
- Tháng hai, từ ngày 10 đến ngày 16 có các sự lệ sau :
+ Ngày mùng 10: giết trâu tế thánh sau đó chia phần cho các trai đinh trong làng. Đây là ngày sính lễ.
+ Ngày 11: Cỗ các cụ bà ở chùa.
+ Ngày 12: Cỗ cơm ông quan chính - tức quan chủ tế.
+ Ngày 13 và 14: Cỗ xôi gà của các giáp.
+ Ngày 16: Tế giã, hết hội làng.
Trong các ngày hội lễ tháng hai, lễ rước chạ anh vào ngày 15 tháng 2 là ngày hội lớn, thể hiện mối gắn kết chạ anh, chạ em, giữa hai làng Vĩnh Kiều và Yên Lã có từ lâu đời và bền chặt, thể hiện bằng lễ đón rước và tiếp đãi thật chân tình lịch lãm, đậm đà bản sắc văn hóa của con người Vĩnh Kiều nổi tiếng văn hiến.
Thông lệ ngày 6 tháng 2, làng Yên Lã sang Vĩnh Kiều báo ngày rước chạ và ngày 8 tháng 2, làng Viềng sang Yên Lã báo rước chạ. Việc báo được tiến hành bằng hình thức thông thư, do làng cử đại diện mang thư sang báo. Ông chủ tế (tức ông quan chính) dẫn đầu đoàn. Đi theo giúp là hai ông bàn tư, một ông bưng đài thư, một ông rước lọng che ông quan chính. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề: khăn xếp, áo dài, quần trắng. Khi đoàn thông thư đến được chạ anh cử chủ tế và 4 quan đám ra đón rồi tiến hành trình thư và làm lễ đại đình. Chủ tế làm lễ và mở thư, khi đó mới biết ngày chạ em mời và đón rước chạ anh.
Lễ đón rước chạ anh Yên Lã được dân làng Vĩnh Kiều tổ chức rất chu đáo, trọng thể trở thành ngày hội làng. Thời gian tổ chức thường vào buổi chiều ngày 15 tháng 2.
Dẫn đầu đoàn ra rước chạ anh là ông chủ tế (gọi là ông chính hay ông chiềng), đi theo sau là hai ông bàn tư bưng đài 24 miếng cau bổ đôi, 24 lá trầu không (không được quét vôi), 8 ông chạ (mỗi giáp 2 ông). Tất cả đều khăn xếp, áo lương. Khi tới địa điểm đón (gần đình làng), hai ông chiềng của chạ anh chạ em gặp nhau, đọc bài vè mời và nhận trầu, sau đó tiến hành lễ đón rước chạ anh. Đám rước gồm thanh niên do làng chọn cử (phải là người phụ mẫu song toàn, không có tang trở), rước cờ tuyết mao đi đầu rồi cờ ngũ sắc, siêu đao, bát biểu,tàn lọng, chiêng trống, bát âm...
Đám rước có quản xã đeo tù và, cầm cờ lệnh chỉ huy 8 tuần đinh dẹp đường. Khi đoàn rước tới Tam quan đình, chạ em mời chạ anh một tuần trầu rồi mới vào đình. Khi vào trong đình, ông chiềng anh đọc một bài vè làm lễ, ông chiềng em đọc bài vè đối lại rồi làm lễ, sau mới ngồi tiếp. Các ông bàn tư mang mía tiện khẩu mời chạ anh tráng miệng rồi mới bưng cỗ mời. Khi tiếp cỗ xong, hai bên đọc vè đối đáp, thù tiếp nhau rất thân tình, nồng hậu. Các bài vè chính là các bài thơ nói lên tình cảm quý trọng , tôn kính nhau mong cho dân hai làng làm ăn phát đạt, bình an, mối quan hệ anh em ngày càng bền chặt. Hiện ở làng Viềng còn giữ được cuốn sách chữ Hán và chữ Nôm ghi những bài vè đọc trong dịp đón chạ anh Yên Lã. Trong đó có bài tạm dịch như sau:
" Tiểu đệ em đây,
Dạ xin chúc trình
Quý anh các chức
Mỗi năm mỗi hội
Xuân đến xuân đi
Nghĩa anh em non nước dài dài
Như thần đức nhớ vãng lai giao hiếu
Sách có chữ rằng
Giao làm có đạo
Hai dân kết nghĩa như xưa
Làng em đây còn muốn lưu nhà
Đại huynh đã lên đường đội giá..."
Cuối cùng, chạ anh đọc bài cáo biệt rồi tất cả mọi người cùng đứng lên làm lễ tạ ở gian giữa đình. Chiềng em đọc bài chúc chiềng anh thượng lộ bình an. Sau đó là lễ rước chạ anh ra về. Thứ tự lễ rước tiễn chạ anh: người cầm đuốc đi trước rồi đến trống bát âm, đại biểu chạ anh, chạ em. Đến điểm, chạ anh có đuốc sẵn, hai bên giao đuốc cho nhau. Ông chiềng đọc bài tiễn biệt, mọi người chia tay ra về.
Ngày nay, những truyền thống lịch sử và tinh hoa văn hóa của làng thợ, làng khoa bảng Vĩnh Kiều vẫn được bảo tồn và phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế văn hóa vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc văn hóa quê hương Vĩnh Kiều. Đình, chùa được tu bổ khang trang tố hảo là trung tâm sinh hoạt tâm linh và văn hóa của toàn dân. Lễ hội truyền thống tiếp tục được duy trì với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh phong phú vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc quê hương. Đặc biệt, mối quan hệ chạ anh, chạ em giữa Vĩnh Kiều và Yên Lã tiếp tục được duy trì ngày càng bền chặt. Lễ đón rước chạ anh trong ngày hội làng được hai dân làng tổ chức rất trọng thể và chân tình, thắm thiết như anh em một nhà. Đó là nét đẹp truyền thống được nhân dân hai làng Vĩnh Kiểu - Yên Lã quý giữ và phát huy trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
- Cụm di tích đình, đền làng Trang Liệt - 1575 lượt xem
- Lễ hội làng Phù Chẩn - 1543 lượt xem
- Hội làng Cẩm Giang - 1308 lượt xem
- Lễ hội chùa Tam Sơn - 1230 lượt xem
- Gà thi, xôi thi ở lễ hội Phù Khê - 554 lượt xem
- Hội làng Dương Lôi - 591 lượt xem
- Đền thờ tổ sư nghề rèn sắt làng Đa Hội - 756 lượt xem
- Đền thờ Thám hoa Nguyễn Văn Huy - 629 lượt xem
- Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính - 948 lượt xem
- Nhà cụ Đám Thi - 420 lượt xem
Đánh giá & Bình luận